Validus

Validus Capital cung cấp dịch vụ hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
– Cho vay ngang hàng (P2P Lending) là phương thức cho vay trực tuyến mới đang nở rộ tại Việt Nam, với Validus – một nền tảng đến từ Singapore là cái tên khá nổi bật. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề pháp lý về mô hình này cần làm rõ để tránh rủi ro cho nhà đầu tư.


Các sản phẩm vay vốn trên nền tảng Validus
Validus tự giới thiệu về mình trên website validus.vn: “Thành lập vào năm 2015, Validus đã phát triển để trở thành nền tảng cho vay tín chấp trực tuyến giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ và nhà đầu tư hàng đầu của Singapore, giải quyết khoảng cách tài chính mà các doanh nghiệp SME phải đối mặt bằng cách sử dụng phân tích dữ liệu, học máy và trí tuệ nhân tạo (AI) để cấp vốn cho các doanh nghiệp đang phát triển”.

Quy trình cho vay qua Validus khá đơn giản: Nhà đầu tư tạo tài khoản trên nền tảng, sau đó chuyển tiền vào tài khoản Validus sau khi được xác thực để tham gia đầu tư trực tiếp theo từng khoản vay. Thời hạn cho vay tối thiểu 30 ngày và thay đổi tuỳ theo nhu cầu tài chính của từng doanh nghiệp.

Theo giới thiệu, tùy thuộc vào sản phẩm đầu tư, tỷ suất lợi nhuận ròng trung bình nhà đầu tư đạt được sẽ từ 12%-20%/năm. Về phía doanh nghiệp đăng ký vay vốn, thời gian phê duyệt nhanh so với ngân hàng (trung bình 2 ngày làm việc sau khi đầy đủ hồ sơ). Đặc biệt, các doanh nghiệp SME có thể nhận được khoản vay tín chấp 100% với lãi suất vay cạnh tranh hơn so với một số định chế tài chính trung gian phi ngân hàng phổ biến trên thị trường.


Validus giới thiệu tới nhà đầu tư các mức lãi suất hấp dẫn
Nền tảng này hiện cung cấp cho nhà đầu tư một số sản phẩm cho vay doanh nghiệp, bao gồm tài trợ chuỗi cung ứng, tài trợ vốn lưu động, tài trợ hóa đơn và tài trợ chuỗi phân phối.

Tuy nhiên, thực tế đặt ra khi môi trường kinh doanh đang có nhiều biến động khó lường là rủi ro doanh nghiệp chậm thanh toán, không có khả năng thanh toán luôn hiện hữu. Các doanh nghiệp nhỏ vay kinh doanh là đối tượng không thể tiếp cận tín dụng ngân hàng, phải chấp nhận mức lãi suất vay cao để trả cho nhà đầu tư dẫn tới áp lực lãi vay với nhóm này không hề nhỏ.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, trong trường hợp nhiều doanh nghiệp vay vốn qua nền tảng không thể trả nợ đúng hạn/hoặc mất khả năng thanh toán, Validus sẽ sử dụng nguồn tài chính nào để chi trả cho nhà đầu tư?

Chưa được cấp phép

Tại Việt Nam hiện nay, mô hình cho vay P2P vẫn chưa được cấp phép nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực này thường đăng ký là công ty tư vấn đầu tư. Các công ty này cũng không được trực tiếp huy động hay cho vay nên không nằm trong đối tượng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

Vì vậy, khi có rủi ro xảy ra, rất khó để xử lý do thiếu cơ sở pháp lý. Rủi ro ở đây có thể là các nền tảng P2P này ngừng hoạt động, bị đánh cắp tiền hoặc thậm chí là lừa đảo khách hàng.

Trả lời báo chí về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện những công ty môi giới không phải là công ty tài chính, ngân hàng nên cơ sở pháp lý cho hoạt động này chỉ có Luật dân sự. Tuy nhiên phía Ngân hàng Nhà nước cũng gặp nhiều lúng túng vì pháp luật không có quy định cấm, kiểu như hoạt động Grab, không cấm Grab hoạt động mà sẽ có khung pháp lý quy định để quản lý cho phù hợp thôi.

Với một hệ sinh thái như vậy, người cho vay trên hệ thống P2P Lending phải đối mặt với rủi ro mất tiền do người đi vay không thực hiện đúng thỏa thuận, lừa đảo; hoặc công ty vận hành cho vay ngang hàng thực hiện không đúng, không đủ các thủ tục xác định thông tin khách hàng vay và phòng, chống rửa tiền (AML).

Chính vì chưa có khung pháp lý cụ thể, thỏa thuận giữa các bên tham gia mô hình P2P Lending thiếu ràng buộc có tính pháp lý, cũng như chưa có cơ chế giám sát, hậu kiểm đối với việc sử dụng, quản lý vốn vay đúng mục đích của người đi vay, nên người cho vay có nguy cơ mất tài sản, dẫn đến rất nhiều tranh chấp, khiếu kiện kéo dài giữa các bên. Từ đó tạo áp lực rất lớn cho các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tư pháp trong việc theo đuổi, xét xử các vụ kiện, đặc biệt là các vụ khiếu kiện tập thể, đông người kéo dài. Đây là kinh nghiệm và cái giá phải trả khá đắt tại một số nền kinh tế thời gian qua, đặc biệt là tại Trung Quốc.

Cũng không thể không nhắc đến những rủi ro về bảo mật của mô hình này. Do dữ liệu được số hóa bằng công nghệ, các công ty P2P Lending có nguy cơ bị tấn công mạng, đánh cắp thông tin, lộ, lọt, rò rỉ dữ liệu tài khoản, có thể gây thiệt hại cho các bên tham gia. Trường hợp các nền tảng P2P Lending bị mất dữ liệu hoặc các rủi ro công nghệ liên quan thì khả năng người cho vay mất trắng các khoản đầu tư là hiện hữu (vì không có cơ sở, bằng chứng ghi nhận lại các khoản cho vay mà người cho vay đã tiến hành cho vay).

Ngân hàng Nhà nước cảnh báo

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 5228/NHNN/CSTT gửi đến các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về hoạt động cho vay ngang hàng.

Theo nội dung của văn bản, thời gian qua, sự bùng nổ các ứng dụng từ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã thúc đẩy nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, trong đó có ứng dụng cho vay ngang hàng (P2P Lending).

Liên quan đến lĩnh vực này, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần thận trọng bởi hoạt động P2P Lending tiềm ẩn nhiều rủi ro (rủi ro cho vay, rủi ro thông tin, rủi ro phòng chống rửa tiền, rủi ro an ninh mạng…) có thể tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội.

Đáng chú ý, theo rà soát, một số công ty P2P Lending lợi dụng việc thiếu thông tin, thiếu hiểu biết của người dân để quảng cáo và đưa ra thông tin không rõ ràng, sai lệch dẫn đến nhà đầu tư hiểu nhầm về việc các hoạt động đầu tư/cho vay qua các nền tảng của công ty P2P Lending đều được bảo hiểm rủi ro.

Một số công ty P2P Lending là kênh phân phối, tìm kiếm khách hàng cho công ty tài chính, công ty cầm đồ hoặc công ty cầm đồ hợp tác với công ty công nghệ xây dựng nền tảng giao dịch trực tuyến để công ty cầm đồ tìm kiếm người đi vay và thực hiện cho vay; trong đó, một số công ty cầm đồ sử dụng nguồn tiền từ các khoản vay nước ngoài hoặc các khoản vay từ cá nhân, tổ chức trong nước để cho vay lại.

Một số đối tượng có thể lợi dụng mô hình P2P Lending thực hiện hành vi bất hợp pháp (hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính đa cấp…), đưa ra quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn của người dân; tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân, gây bất ổn đến an ninh kinh tế và ổn định xã hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *